Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Bị can chết trong thời gian tạm giam: Vụ án sẽ được xử lý thế nào?


  • Xử lý trường hợp bị can chết trong thời gian tạm giam
     
    Ngày 18-7, theo nguồn tin bị can Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), vừa tử vong.
     
    Ông Hà tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.
    Theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết:
    1. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.
    2. Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
    3. Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.
    Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.
    4. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc sự thỏa thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết không thoả thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể hoặc không xác định được quốc tịch của người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.
    5. Kinh phí liên quan tới việc an táng do ngân sách nhà nước bảo đảm. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
    6. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội
    * Ngoài ra, Trong trường hợp này sẽ đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với bị can căn cứ theo quy định tại Điều 230, Điều 248 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;
    Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
    "...
    7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
    ..."
    Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.
    Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
    Đối với vụ án này, còn nhiều bị can khác nên việc điều tra vụ án, điều tra đối với các bị can khác sẽ vẫn tiếp tục.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

BẢN ÁN 120/2019/DS-PT NGÀY 29/05/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN, TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 22 và 29 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 284/2018/TLPT-DS ngày 24 tháng 12 năm 2018 về việc “tranh chấp thừa kế tài sản, tặng cho quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 70/2018/DS-ST ngày 03/08/2018 của Tòa án nhân dân thành phố M, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 74/2019/QĐPT-DS ngày 22 tháng 02 năm 2019 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Lê Thị M, sinh năm 1941. Địa chỉ: khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1979. Địa chỉ: khu phố 9, phường CN, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Bùi Văn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Th và C. Địa chỉ: phường PL, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.
- Bị đơn:
1. Ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1959. Địa chỉ: khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
2. Bà Nguyễn Thị Thu H1, sinh năm 1972. Địa chỉ: khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà H1: Ông Đặng Tấn P, sinh năm 1958. Địa chỉ: xã BM, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1957. Địa chỉ: phường PH, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
2. Bà Nguyễn Thị Thanh H2, sinh năm 1968. Địa chỉ: phường TG, thị xã TA, tỉnh Bình Dương. Vắng mặt.
3. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1979. Địa chỉ: khu phố 9, phường CN, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
4. Ông Nguyễn Ngọc A, sinh năm 1982. Địa chỉ: khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
5. Bà Nguyễn Thị Kim T1. Địa chỉ: khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
6. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1976. Địa chỉ: khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Văn P và bà Nguyễn Thị Thu H1.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: chồng bà Lê Thị M là ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1930 (chết năm 2015). Ông B có hai người vợ, người vợ thứ nhất là bà Nguyễn Thị H3, sinh năm 1932 (chết năm 1973), ông B và bà Hai sinh được 04 người con là: Bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị Thanh H2 và bà Nguyễn Thị Thu H1. Ông B và bà Lê Thị M (bà M là vợ thứ hai) có 02 người con chung là bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Ngọc A.
Quá trình chung sống bà M và ông B có tài sản chung là một căn nhà cấp 4 lợp ngói, diện tích 108m2, nằm trên diện tích đất 465,1m2. Ngày 28/02/2000, bà M và ông B đăng ký quyền sử dụng đất với diện tích 465,1m2, thuộc tờ bản đồ số 71, số thửa 17, nguồn gốc đất do cha mẹ ông B để lại. Ngày 14/4/2003, gia đình bà M được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 425,4m(trừ 39,7mđất hành lang đường hẻm) do ông Nguyễn Văn B đứng tên. Phần đất này tọa lạc tại khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương, theo bản vẽ kỹ thuật thì có cạnh hướng Bắc dài 20,49m; cạnh hướng Nam dài 19,79m; cạnh hướng Đông dài 25,39m; cạnh hướng Tây dài 21,55m. Sau khi ông B chết, bà M vẫn ở ngôi nhà này để thờ cúng chồng và tổ tiên, ngoài bà M còn có ông Nguyễn Ngọc A, bà Nguyễn Thị Thu H1 và ông Nguyễn Văn P ở cùng.
Ông Nguyễn Văn P và bà Nguyễn Thị Thu H1 đã chiếm và sử dụng ngôi nhà thờ và đất, do không có chỗ ở nên bà M đã đến ở với con gái tại phường CN. Ngày 08/5/2016, Ủy ban nhân dân phường PT đã hòa giải để các bên thỏa thuận chia tài sản nhưng không thành.
Do vậy, theo đơn khởi kiện bà M yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Nguyễn Văn P và bà Nguyễn Thị Thu H1 trả lại ½ tài sản trên tổng tài sản chung của bà M và ông B với chiều ngang 9,5m, chiều dài 25,39m, tổng diện tích đất là 212,7m2. Diện tích còn lại là 212,7mbà M yêu cầu chia thành 07 phần. Sau khi xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, bị đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, bà H1 xuất trình chứng cứ mới là tờ di chúc lập ngày 21/4/2006 nên cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm.
Do đó, ngày 27/9/2017 bà M thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ thể bà M yêu cầu chia thừa kế theo di chúc mà bị đơn đã xuất trình.
- Bị đơn ông Nguyễn Văn P trình bày: Cha ông P là ông Nguyễn Văn B được ông bà để lại tài sản là một căn nhà cấp 4 lợp tôn, diện tích khoảng 100m2, nằm trên lô đất diện tích 465,1mtại khu phố 7, phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Ngày 28/02/2000, ông B đi đăng ký quyền sử dụng đất với diện tích 465,1m2, đất thuộc tờ bản đồ số 71, số thửa 17. Ngày 14/4/2003, ông B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 425,4m(trừ 39,7m2 đường đi) thuộc tờ bản đồ số 71, số thửa 17, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 0063, đứng tên ông Nguyễn Văn B. Tuy nhiên, năm 1999, khi ông P có gia đình, ông B cho riêng ông P phần đất có chiều ngang mặt đường là 07m, chiều sâu hết đất trong tổng diện tích đất trên để ông P làm nhà ở với tổng diện tích khoảng 155m2. Ông P tiến hành xây nhà trên đất này và ở ổn định từ năm 2000 cho tới nay. Ngôi nhà có diện tích khoảng 90m2, do ông P tự bỏ tiền ra xây dựng gần 80.000.000 đồng. Năm 2007, ông B đến Ủy ban nhân dân phường PT làm giấy tặng cho ông P phần đất 125m2, nhưng thực tế vợ chồng ông P sử dụng 155m2. Trên phần đất còn lại, có căn nhà cấp 4 khoảng 100mông B để lại, phần nhà giáp với nhà ông P có chiều ngang 5m dùng để thờ cúng tổ tiên, hàng ngày ông P vẫn qua lại thắp nhang. Bên cạnh phòng thờ là nhà do bà Nguyễn Thị Thu H1 xây dựng có chiều ngang khoảng 3,3m. Phía sau nhà thờ hiện nay do ông Nguyễn Ngọc A đang ở.
Ngày 05/01/2018, ông P có đơn yêu cầu được công nhận phần đất diện tích đo đạc thực tế 165mdo ông B, bà M đã cho năm 1999 mà vợ chồng ông P, bà T1 quản lý và sử dụng từ khi được cho đến nay.
Đi với phần diện tích đất còn lại có nhà thờ cúng tổ tiên và vong linh liệt sĩ đã 30 năm và nhà của bà H1 gắn liền với nhà thờ cúng, mặc dù di chúc bà H1 đưa ra đúng là của ông B lập nhưng ông P không đồng ý chia, vì từ trước tới nay nhà thờ cúng thuộc quyền sở hữu của ông B, nhà thờ cúng này được Ủy ban nhân dân phường PH và Ủy ban nhân dân phường PT hỗ trợ xây dựng làm nơi thờ cúng liệt sĩ. Ngoài ra, bà M trình bày bà M sinh sống với ông B từ lúc ông B còn sống cho đến lúc ông B chết là không đúng sự thật, mà bà M đã đi nơi khác sống cùng bà H trước khi ông B chết, chỉ khi ông B chết bà M mới về để lo đám tang. Về con chung giữa ông B và bà Hai có tất cả 05 người con: ông P, bà T1, bà H2, bà H1 và ông Nguyễn Văn C (ông C là liệt sỹ chết năm 1985, không có vợ con).
- Trong quá trình làm việc bị đơn bà Nguyễn Thị Thu H1 trình bày: Bà H1 thống nhất với phần trình bày của ông Nguyễn Văn P, công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với diện tích đất vợ chồng ông P, bà T1 quản lý sử dụng từ năm 2000 đến nay. Phần diện tích đất còn lại bà H1 không yêu cầu chia, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Bà Nguyễn Thị H trình bày: Thống nhất với lời trình bày của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Bà H đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
+ Bà Nguyễn Thị T: Về những người con của ông B thống nhất như ý kiến trình bày của nguyên đơn và bị đơn ông P. Về tài sản tranh chấp: Thống nhất với ý kiến của ông Nguyễn Văn P, công nhận phần đất ông P đang sử dụng là do ông B cho từ năm 1999 để cất nhà ở đến nay. Bà T cho rằng trước đây bà sinh sống trên phần nhà đất này, nhưng từ năm 1975 khi có gia đình bà không còn sống chung trên phần nhà, đất đang tranh chấp. Còn đối với di chúc do bà H1 xuất trình đúng là di chúc của ông B nhưng không đồng ý chia theo di chúc vì theo bà thì tài sản phải chia cho tất cả các con nhưng di chúc ông B chỉ chia cho 03 người là thiếu nên không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn.
+ Bà Nguyễn Thị Thanh H2 trình bày: Thống nhất với phần trình bày của ông P, bà T. Không có ý kiến gì thêm.
+ Ông Nguyễn Ngọc A, bà Nguyễn Thị H: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của nguyên đơn. Công nhận phần đất ông P đang sử dụng là do ông B cho, có ranh cụ thể và chấp nhận để ông P được sử dụng. Phần đất còn lại gắn liền ngôi nhà hương quả của ông B yêu cầu chia theo di chúc nhưng chỉ 02 phần là phần ông Ngọc A, bà H1 được hưởng. Phần ông Ngọc A được hưởng chấp nhận theo như di chúc là chỉ được quản lý, sử dụng, không được cầm cố thế chấp hay mua bán.
- Theo biên bản định giá tài sản ngày 08/12/2016 đất thổ cư có giá là 3.500.000 đồng/mvà đất nông nghiệp 2.000.000 đồng/m2. Đối với tài sản gắn liền với diện tích đất gồm: 01 căn nhà cấp 04 có diện tích 44,1m2, có kết cấu tường gạch, mái ngói, kèo gỗ nền gạch tàu (nhà hương quả) hiện ông P đang quản lý có giá trị: 62.181.000 đồng; 01 căn nhà cấp 04 diện tích 43,7m2, có kết cấu tường gạch, mái tôn (có đóng la phông), nền gạch hoa (do bà H1 sửa chữa, đang sử dụng) trị giá: 66.751.750 đồng.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 70/2018/DS-ST ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị M về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” - Công nhận một phần di chúc lập ngày 21/4/2006 của ông Nguyễn Văn B, bà Lê Thị M là hợp pháp, trừ phần chia cho ông Nguyễn Văn P.
Chia cho ông Nguyễn Ngọc A và bà Nguyễn Thị Thu H1 được hưởng tài sản như sau:
- Ông Nguyễn Ngọc A được quản lý, sử dụng phần đất có tổng diện tích 192,2m(trong đó có 50mđất thổ cư, 15,8mđất hành lang đường bộ) thuộc thửa số 17, tờ bản đồ 71 phường PH (nay là phường PT) thành phố M, tỉnh Bình Dương, có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất của bà H1 được chia: 24,07m; Phía Tây giáp phần đất ông P, bà T1: 23m Phía Nam giáp đường bê tông: 7,87m; Phía Bắc giáp đất ông Đỗ Xuân Tr 8,58m. (Ký hiệu B trên sơ đồ bản vẽ kèm theo) Tài sản gắn liền với đất gồm: 01 căn nhà cấp 04 có diện tích 44,1m2, có kết cấu tường gạch, mái ngói, kèo gỗ nền gạch tàu (nhà thờ cúng); 01 căn nhà cấp 04 có diện tích 43,7m2, có kết cấu tường gạch xây tô, mái tôn (có đóng la phông), nền gạch hoa (nhà bà H1 sửa chữa). Ông Nguyễn Ngọc A có quyền ở, quản lý, sử dụng, không được quyền cầm cố, thế chấp hay sang nhượng đối với nhà, đất này.
Do các tài sản này hiện ông P, bà H1 đang quản lý nên cần buộc ông P và bà H1 phải bàn giao cho ông Ngọc A sử dụng theo đúng phần được chia.
- Bà Nguyễn Thị H1 được chia phần đất có diện tích 90,3m(trong đó có 50mthổ cư và 7,2mhành lang đường bộ) thuộc thửa số 17, tờ bản đồ 71 phường PH (nay là phường PT) thành phố M, tỉnh Bình Dương, có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất bà Phạm Thị X (Tr): 24,57m; Phía Tây giáp phần đất ông Ngọc A được chia: 24,07m; Phía Nam giáp đường bê tông: 3,61m; Phía Bắc giáp đất ông Đỗ Xuân Tr 3,86m. (Ký hiệu C trên sơ đồ kèm theo) 
- Ông Nguyễn Ngọc A phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho bà Nguyễn Thị Thu H1 số tiền bà H1 đã sửa chữa nhà là 66.751.750đ và phần đất chênh lệch bà H1 được chia là 44.400.000đ. Tổng số tiền ông Ngọc A phải bồi hoàn cho bà H1 là 111.151.750đ (một trăm mười một triệu một trăm năm mươi mốt ngàn B trăm năm mươi đồng).
2- Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn P về việc công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn P được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 165,3m(trong đó có 50mđất thổ cư và 14,1mhành lang đường bộ), thuộc thửa số 17, tờ bản đồ 71 phường PH (nay là phường PT) thành phố M, tỉnh Bình Dương có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất nhà thờ ông Ngọc A được chia: 23m; Phía Tây giáp lối đi 2m: 22,07m Phía Nam giáp đường bê tông: 6,99m; Phía Bắc giáp đất ông Đỗ Xuân Tr 7,87m. (Ký hiệu A trên sơ đồ bản vẽ kèm theo) 3- Đối với các cây trái, tài sản khác trên phần đất các đương sự được phân chia, được công nhận thì các đương sự được quyền quản lý, sử dụng.
4- Ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị Thu H1, ông Nguyễn Ngọc A có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục theo quy định của pháp luật để được cấp quyền sử dụng đối với tài sản được chia.
5- Kiến nghị Ủy ban nhân dân M thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 00631QSDĐ/TDM do Ủy ban nhân dân thị xã M cấp cho hộ ông Nguyễn Văn B ngày 14 tháng 4 năm 2003, để cấp lại cho ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Ngọc A, bà Nguyễn Thị Thu H1 theo quy định.
Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản, về nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/8/2018 ông Nguyễn Văn P làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, ngày 24/8/2018 ông Đặng Tấn P là người đại diện hợp pháp của bị đơn Nguyễn Thị Thu H1 làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn bà Nguyễn Thị H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn ông Nguyễn Văn P trình bày sau khi xét xử sơ thẩm ông kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm do lúc đó ông chưa được Tòa án tống đạt bản án sơ thẩm, sau khi nhận được bản án sơ thẩm nay ông không kháng cáo đối với quyết định của bản án sơ thẩm về phần công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông B, bà M cho ông, nhưng yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại lời trình bày của bên nguyên đơn cho rằng ông chiếm nhà là không đúng và xem xét lại nhà thờ do UBND phường PH và phường Ph hỗ trợ cho gia đình để thờ cúng liệt sĩ nên đề nghị Tòa án vẫn để nguyên tình trạng tài sản như hiện nay. Bị đơn bà Nguyễn Thị Thu H1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm định giá lại tài sản là căn nhà đang tranh chấp. Tuy nhiên, sau khi Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản thì bà H1 không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá, do đó, Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục tiến hành xét xử vụ án theo quy định. Trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhiều lần tạo điều kiện cho các đương sự thỏa thuận hòa giải với nhau nhưng các đương sự không thống nhất về việc giải quyết vụ án.
Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn – Luật sư Bùi Văn T: Theo Điều 668 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”, tuy nhiên cần phải tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. Mong muốn của ông B và bà M là khi một trong hai người chết thì di chúc sẽ có hiệu lực pháp luật. Tại phần tranh luận, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có ý kiến: Do hiện trạng sử dụng tài sản tranh chấp có khác so với tài sản ghi trong di chúc nên đề nghị Hội đồng xét xử cho tạm ngừng phiên tòa để xem xét thẩm định lại tài sản làm cơ sở cho các bên xem xét lại hiện trạng và thỏa thuận chia theo thực tế sử dụng. Tuy nhiên, bà H là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn không thống nhất ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, yêu cầu Tòa án tiếp tục xét xử vụ án và chia tài sản thừa kế theo như bản án sơ thẩm vì các bên đã xem xét thỏa thuận nhiều lần rồi nhưng không thỏa thuận được. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia di sản thừa kế theo nội dung của di chúc, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.
Về nội dung: Năm 2006, ông Nguyễn Văn B, bà Lê Thị M lập Di chúc ngày 21/4/2006 được Ủy ban nhân dân phường PT chứng thực số 04, Quyển số 01/2006TP/CC-SCT/DCTC cho bà Nguyễn Thị Thu H1 5,2 m ngang nhân chiều dài hết đất; ông Nguyễn Ngọc A 7,2 m ngang nhân chiều dài hết đất, ông Nguyễn Văn P 5,2 m ngang nhân chiều dài hết đất.
Ngày 31/8/2007, ông Nguyễn Văn B, bà Lê Thị M lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn P được Ủy ban nhân dân phường PT chứng thực ngày 31/8/2007 với diện tích là 125,4m2.
Theo tờ Di chúc ngày 21/4/2006, thể hiện khi ông B hoặc bà M chết thì di chúc có hiệu lực pháp luật nhưng không nói rõ nếu một trong hai người đã chết thì có hiệu lực đối với phân nửa di sản hay toàn bộ di sản. Ngoài ra Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn P có diện tích lớn hơn diện tích mà ông P được chia theo di chúc nên đã làm thay đổi nội dung di chúc nhưng người lập di chúc không làm lại di chúc.
Khi ông B mất thì không có căn cứ để xác định di chúc có hiệu lực đối với toàn bộ di sản trong khi đó nguyên đơn lại yêu cầu chia toàn bộ di sản là không phù hợp. Do đó kháng cáo của bị đơn có căn cứ chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm số 70/2018/DS-ST ngày 03/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố M, tỉnh Bình Dương.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày, tranh tụng của các đương sự, luật sư và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa, 
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Bị đơn ông Nguyễn Văn P, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị Kim T1, bà Nguyễn Thị N có đơn xin xét xử vắng mặt, bà Nguyễn Thị Thanh H2 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa đến lần thứ hai nhưng vắng mặt tại phiên tòa, căn cứ Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt ông P, bà T, bà T1, bà N và bà H2.
[1.2] Xét kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Thu H1: Bà H1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng việc chia di sản thừa kế phải theo đúng di chúc chung của ông B và bà M lập, theo đó bà H1 được 05m ngang và ông Ngọc A bồi hoàn giá trị nhà cho bà H1 có đủ tiền để bà H1 xây dựng lại căn nhà khác để ở. Nếu ông Ngọc A không đồng ý thì bà H1 đề nghị hủy bản án sơ thẩm; đình chỉ xét xử vụ án vì di chúc chung của ông B, bà M chưa phát sinh hiệu lực.
[1.3] Xét kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn P: Ông Nguyễn Văn P yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại việc ông có chiếm giữ nhà đất của ai hay không mà nguyên đơn khởi kiện cho rằng ông chiếm giữ nhà đất, đối với quyết định của bản án sơ thẩm ông P không kháng cáo phần quyết định của bản án sơ thẩm liên quan đến yêu cầu phản tố của ông. Như vậy, phần còn lại là phần tài sản mà tòa án cấp sơ thẩm chia cho ông Anh và bà H1, ông P vẫn kháng cáo.
[1.4] Xét thấy: Tại đơn khởi kiện ngày 20/5/2016 (búc lục 01), đơn sửa đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 07/6/2016 (bút lục 23), nguyên đơn bà Lê Thị M và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn H1 Khanh xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn P và bà Nguyễn Thị Thu H1 trả lại ½ tài sản trên tổng tài sản chung của bà M và ông B với chiều ngang 9,5m, chiều dài 25,39 m, tổng diện tích là 212,7m2. Diện tích còn lại là 212,7mbà M yêu cầu chia làm 07 phần, trong đó bà M nhận 01 phần tương đương 30,38m2. Tại biên bản hòa giải ngày 11/11/2016 người đại diện hợp pháp của nguyên đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu ông P trả lại phần diện tích đất 155mhin nay có căn nhà của ông P đang ở theo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Diện tích đất còn lại chia theo pháp luật (bút lục 143). Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2017/DS-ST ngày 16/02/2017, Tòa án nhân dân thành phố M xác định quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên đương sự là “yêu cầu chia tài sản chung và tranh chấp về thừa kế tài sản”. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn Nguyễn Thị Thu H1 kháng cáo và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2017/DS-ST ngày 16/02/2017. Đồng thời, bị đơn bà H1 giao nộp chứng cứ mới là di chúc lập ngày 21/4/2006 của ông B và bà M. Tại Bản án phúc thẩm số 113/2017/DS-PT ngày 09/6/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà H1, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2017/DS-ST ngày 16/02/2017, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
[1.5] Ngày 18/7/2017, Tòa án nhân dân thành phố M thụ lý lại vụ án dân sự sơ thẩm số 304/2017/TLST-DS về việc “tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung và tranh chấp về thừa kế tài sản”. Tuy nhiên, đến ngày 27/9/2017, nguyên đơn bà Lê Thị M thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố M căn cứ vào di chúc do ông Nguyễn Văn B và bà Lê Thị M lập ngày 21/4/2006 để chia di sản thừa kế (bút lục 329).
[1.6] Do di chúc được lập vào năm 2006 là thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2005 đang có hiệu lực pháp luật nên phải xem xét điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”, Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Xét thấy, ông B và bà M lập di chúc chung ngày 21/4/2006, có chứng thực của UBND phường PT, thành phố M, tỉnh Bình Dương. Tại trang 02 của di chúc có nội dung: “Sau khi ông B hoặc bà M qua đời thì di chúc có hiệu lực pháp luật”. Tuy nhiên, nội dung di chúc không nêu rõ có hiệu lực toàn bộ hay một phần. Điều 668 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chếtNhư vậy, mặc dù nội dung về hiệu lực của di chúc chung của ông B và bà M lập ngày 21/4/2006 là do ý chí tự nguyện định đoạt của ông B và bà M, nhưng sự định đoạt này lại trái với quy định tại Điều 668 Bộ luật Dân sự 2005 nên phải áp dụng Điều 668 Bộ luật Dân sự năm 2005 để xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của di chúc.
[1.7] Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã hỏi đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn để làm rõ ý chí của nguyên đơn về việc yêu cầu chia di sản thừa kế theo cách chia của di chúc chung hay yêu cầu công nhận di chúc là hợp pháp và chia di sản thừa kế theo di chúc chung của ông B và bà M. Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn vẫn xác định nguyên đơn yêu cầu công nhận di chúc là hợp pháp và chia di sản thừa kế theo di chúc chung của ông B và bà M vì trong di chúc có nêu một trong hai người chết thì di chúc có hiệu lực.
[1.8] Xét thấy, bà M là nguyên đơn trong vụ án có yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc đồng thời là một trong hai người để lại di chúc. Hiện tại bà M vẫn còn sống nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn công nhận di chúc chung của bà M và ông B là hợp pháp (trừ phần tặng cho ông Nguyễn Văn P) và chia di sản thừa kế theo di chúc là trái với quy định tại các Điều 633, Điều 646, 667, 668 Bộ luật Dân sự 2005.
[1.9] Từ những nhận định nêu trên, xét thấy: Nguyên đơn bà M khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo nội dung di chúc chung của ông B và bà M khi di chúc chung của ông B và bà M chưa phát sinh hiệu lực theo quy định tại Điều 633, 667, 668 Bộ luật Dân sự 2005 nên chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, cần hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế theo di chúc theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 và khoản 4 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[1.10] Đối với phần đất theo yêu cầu phản tố của bị đơn ông Nguyễn Văn P: Ông P yêu cầu công nhận cho ông được quyền sử dụng đối với phần đất diện tích đo đạc thực tế 165,3m2. Trong quá trình tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Hường có yêu cầu chia tài sản theo di chúc và khi chia thì đồng ý chia theo hiện trạng ông P đang sử dụng, như vậy yêu cầu của nguyên đơn là tranh chấp toàn bộ nhà và đất; bị đơn bà H1, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà T, bà H2, ông Ngọc A đều thống nhất ý kiến chia cho ông P theo hiện trạng ông P đang sử dụng mặc dù trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất chỉ thể hiện diện tích đất được tặng cho là 125m2, nhưng phần đất ông P sử dụng từ khi được ông B, bà M tặng cho đến nay không đổi và theo đo đạc thực tế là 165,3m2 nên các đương sự đồng ý cho ông P được hưởng tài sản theo hợp đồng tặng cho. Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn bà H1 không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ xét xử toàn bộ vụ án vì chưa đủ điều kiện khởi kiện. Xét thấy: Năm 2007 ông B và bà M lập hợp đồng tặng cho ông P quyền sử dụng đất diện tích 125m2, có chứng thực của UBND phường PT ngày 31/8/2007. Hợp đồng tặng cho được thực hiện sau khi ông B và bà M lập di chúc chung. Theo nội dung hợp đồng tặng cho thì ông P được tặng cho 125 mnhưng thực tế sử dụng là 165,3 m2.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Đất đai năm 2003 quy định “Việc đăng ký quyền sử dụng đất được thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: 2. Người sử dụng đất thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 467 Bộ luật Dân sự 2005: “Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”. Xét thấy kể từ khi ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đến nay, ông P chưa đăng ký quyền sử dụng đất nên hợp đồng tặng cho chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 467 Bộ luật Dân sự 2005, do đó diện tích đất này vẫn thuộc thửa số 17, tờ bản đồ số 71, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0063 do UBND thành phố M, tỉnh Bình Dương cấp cho hộ ông Nguyễn Văn B ngày 14/4/2003, là tài sản được định đoạt trong di chúc chung của ông B và bà M để lại chưa có hiệu lực. Hiện nay ông P quản lý, sử dụng nhiều hơn phần đất ông P được tặng cho nên làm ảnh hưởng đến diện tích đất còn lại trong việc chia thừa kế đồng thời như đã nhận định ở phần trên, do điều kiện có hiệu lực của di chúc chưa phát sinh nên chưa có cơ sở xem xét di chúc có hợp pháp hay không và cũng chưa có cơ sở chia di sản thừa kế theo di chúc. Do đó, để giải quyết toàn diện vụ án đồng thời đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên đương sự cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và cả yêu cầu phản tố của bị đơn ông Nguyễn Văn P.
[2] Lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận, kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Thu H1 và ông Nguyễn Văn P là có cơ sở chấp nhận.
[3] Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát là phù hợp.
[4] Chi phí thẩm định, định giá tài sản: Nguyên đơn phải chịu.
[5] Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Lê Thị M và ông Nguyễn Văn P được miễn án phí.
[6] Án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo không phải chịu.
Vì các lẽ trên, 
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 148; Điều 186; điểm b khoản 1 Điều 192; điểm g khoản 1 Điều 217; khoản 4 Điều 308; Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 2 Điều 467, Điều 633, 646, 663, 667, 668 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 46 Luật Đất đai năm 2003; Nghị quyết số 326/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn P và bà Nguyễn Thị Thu H1.
2. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 70/2018/DS-ST ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố M, tỉnh Bình Dương và đình chỉ giải quyết vụ án.
3. Chi phí thẩm định, định giá tài sản: Nguyên đơn bà Lê Thị M phải chịu số tiền là 3.337.500 đồng, bà M đã nộp xong.
4. Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Lê Thị M, ông Nguyễn Văn P được miễn án phí. Hoàn trả cho bà Lê Thị M số tiền tạm ứng án phí đã nộp 6.250.000 đồng (sáu triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AB/2013/01314 ngày 17/6/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố M, tỉnh Bình Dương.
5. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn P và bà Nguyễn Thị Thu H1 không phải chịu. Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Thu H1 số tiền 300.000 (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0022662 ngày 10/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố M, tỉnh Bình Dương.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 29/5/2019)./.